Đền Kỳ Cùng, biểu tượng tâm linh của người dân Lạng Sơn, là minh chứng cho lịch sử thăng trầm của vùng biên. Kiến trúc đền kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, thu hút du khách bởi lễ hội hàng năm.
Đền Kỳ Cùng là địa điểm tâm linh không thể bỏ lỡ khi du lịch Lạng Sơn. Nơi đây lưu giữ nhiều giá trị lâu đời và cũng là nơi thiêng liêng mong cầu mưa thuận gió hòa quanh năm. Do đó, mùa lễ hội đền Kỳ Cùng Lạng Sơn luôn thu hút lượng du khách vô cùng đông đảo.
1. Đền Kỳ Cùng ở đâu?
Đền Kỳ Cùng (còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh Lạng Sơn) nằm ở ngã 3 hướng đi cửa khẩu Hữu Nghị và chợ Đông Kinh, gần đầu cầu tả ngạn bờ Bắc sông Kỳ Cùng. Song hành với chùa Tam Thanh và đền Mẫu Đồng Đăng, địa điểm này cũng là nơi linh thiêng nổi bật trong hành trình khám phá văn hóa tâm linh xứ Lạng.
-
Địa chỉ: đường Trần Đăng Ninh, phường Vĩnh Trại, Tp. Lạng Sơn
-
Giờ mở cửa tham khảo: không quy định
-
Giá vé tham khảo: miễn phí
Vào năm 2019, ngôi đền đã hoàn tất tu sửa và khoác màu “áo tím” nổi bật như hiện tại. Do màu tím là vía của ngài Quan Tướng Tuần được thờ ở đây nên sự thay đổi màu sắc càng tôn lên giá trị linh thiêng của đền.
Theo tấm bia lịch sử ghi trong đền, nơi này không có năm xây dựng, chỉ có các mốc tu sửa vào năm 1928, 1931, 1967. Đến năm 1993, đền Kỳ Cùng được Nhà nước chứng nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Hằng năm, nơi đây đều tổ chức lễ hội nhộn nhịp và chào đón du khách từ mọi miền đất nước.
2. Đền Kỳ Cùng Lạng Sơn thờ ai?
Theo tư liệu địa phương, trước khi xây mới, ngôi đền cũ bằng đất khá nhỏ nhắn, bên trong thờ thần Giao Long. Ngài là vị thần của sông nước, có trách nhiệm cai quản toàn vùng và phù hộ cho mưa thuận gió hòa.
Đến thời nhà Trần, đền Kỳ Cùng có một sự tích đặc biệt nên đã đổi thành thờ Quan Lớn Tuần Tranh. Tương truyền, quan Tuần Tranh được vua Trần cử lên trấn thủ Lạng Sơn. Sau khi đánh giặc thua trận, ông bị bọn nịnh thần vu cáo về tội dâm ô nên ông đã nhảy xuống sông Kỳ Cùng tự vẫn để chứng minh trong sạch.
Cảm thấu nỗi oan và tấm lòng của quan Tuần Tranh, thần linh đã hóa phép linh hồn ông thành hai vị thần là ông Cộc – ông Dài ngự tại đền để cai quản sông nước. Nỗi oan của quan Tuần Tranh về sau cũng đã được tả đô đốc Thân Công Tài (vị tướng nhà Lê) hóa giải trong sạch.
Ngày nay, du khách khi vào đến sẽ thấy Quan Lớn Tuần Tranh được thờ trong điện chính. Ngoài ra, các gian phụ còn để thờ Phật Quan Âm, Tam Tòa Thánh Mẫu và các nhân thần khác.
Khám phá đền Kỳ Cùng: di sản văn hóa độc đáo của người Việt.
Đền Kỳ Cùng có kiến trúc đơn giản nhưng mang đậm nét nghệ thuật của văn hóa tâm linh người Việt. Như đã nói, do được xây mới hoàn toàn từ nền ngôi đền cũ và được tu sửa nhiều lần, ngôi đền nay đã khoác tấm áo rất khang trang.
Về tổng quan, kiến trúc đền Kỳ Cùng được thiết kế theo kiểu chữ “đinh”, gồm 3 cửa vòm cuốn với 2 trụ gạch vuông. Bên trên mỗi cửa vào đều có trang trí hoa văn đắp nổi hướng lên bộ tam khí trên mái vòm (bộ tam khí gồm đỉnh và lọ hoa thờ 2 bên).
Kiến trúc đền Kỳ Cùng có 2 cột gạch vuông lớn oai nghiêm. Vào tham quan bên trong, bạn sẽ được chiêm ngưỡng nhiều đồ thờ có niên đại từ thời Lê (1783) và thời Nguyễn (vua Khải Định – Bảo Đại) như chuông, ngai, tán, lọng, đỉnh đồng và các pho tượng cổ. Tất cả đều mang giá trị lịch sử và tính thẩm mỹ rất cao.
Trước đền còn có bến đá tuyệt đẹp – gọi là Kỳ Công Thạch Độ. Đây là một trong 8 cảnh đẹp xứ Lạng được ghi trong “Trấn doanh bát cảnh” của danh nhân Ngô Thì Sĩ. Mỗi khi nhắc đến, không chỉ người ở Lạng Sơn tự hào mà toàn dân cả nước cũng hãnh diện.
4. Lễ hội đền Kỳ Cùng Tả Phủ Lạng Sơn
Nhắc đến lễ hội Lạng Sơn, nhiều người thường nghĩ đến lễ hội Phài Lừa hay lễ hội Chùa Tam Thanh. Tuy nhiên, lễ hội đền Kỳ Cùng cũng là một trong những sự kiện linh đình bậc nhất xứ Lạng mà du khách nên trải nghiệm.
Lễ hội đền Kỳ Cùng Lạng Sơn tổ chức từ ngày 22 đến 27 tháng giêng (âm lịch), chia thành 2 phần:
-
Phần lễ: cử hành nghi thức rước kiệu ông Tuần Tranh từ đền Kỳ Cùng đến đền Tả Phủ – nơi thờ ông Thân Công Tài, cách nhau 1km. Việc này tái hiện sự tích xưa và thể hiện sự báo đáp công ơn của ông Thân Công Tài – người đã giải oan khuất cho quan Tuần Tranh. Đến ngày cuối mùa lễ hội (27/01 âm lịch), người dân sẽ rước kiện trở về như cũ.
-
Phần hội: người dân địa phương sẽ tổ chức nhiều trò vui dân gian như đốt đầu pháo, cờ người, múa rồng, hát lượn,…
Tham gia lễ hội này, du khách sẽ cảm nhận được đời sống tâm linh đậm đà bản sắc Việt. Hơn nữa, mỗi nghi thức và hoạt động trong dịp này đều ẩn chứa các giá trị chân – thiện – mỹ của người dân xứ Lạng.
Để chuyến du lịch thêm phong phú, bạn nên tham quan kết hợp các điểm lân cận ngôi đền như thành nhà Mạc, chợ Đông Kinh, chợ Kỳ Lừa… và mua sắm đặc sản Lạng Sơn về làm quà. Nếu là chuyến đi dài ngày, từ trung tâm thành phố, bạn có thể di chuyển xa hơn theo hướng Tây Nam để thăm Ải Chi Lăng, hoặc theo hướng Đông Bắc để tham quan cụm du lịch núi Mẫu Sơn hùng vĩ.
Đền Kỳ Cùng xứng đáng là nơi bạn không thể bỏ lỡ khi du lịch Lạng Sơn. Với giá trị tâm linh lâu đời được lưu giữ và kiến trúc truyền thống – hiện đại kết hợp, nơi đây hứa hẹn sẽ để lại những dấu ấn đáng nhớ cho bạn. Đặc biệt là giúp bạn cảm nhận rõ hơn về văn hóa tín ngưỡng mang đậm bản sắc Việt của xứ Lạng.